TP.HCM cử 3 đội công tác, dốc sức cùng miền Tây chống dịch Covid-19
TP.HCM hiện đã cử những lực lượng tinh nhuệ, kinh nghiệm nhất trong chống dịch Covid-19 đến các tỉnh Tây Nam Bộ. Đồng thời, chi viện trang thiết bị y tế, vắc xin và thuốc men.
Tăng cường từ nhân lực đến vật lực
Tại họp báo chiều 4/11, Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP đã cử luân phiên 3 đội công tác đến các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Cụ thể, đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ tỉnh An Giang. Mới đây nhất, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã xuất quân chi viện tỉnh Bạc Liêu.
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chi viện tỉnh Bạc Liêu ngày 2/11. |
TS Vĩnh Châu cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM vẫn thường xuyên hội chẩn trực tuyến nhiều ca Covid-19 nặng ở các tỉnh, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm thu dung điều trị, cách ly F0 tại nhà.
Đặc biệt, kinh nghiệm thiết lập và hoạt động của mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng cũng đã được chia sẻ đến các tỉnh bạn. Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng, giải pháp trên có thể hỗ trợ được các tỉnh chống dịch, giảm các ca Covid-19 nặng, đồng thời giảm các ca nặng phải chuyển về TP.HCM.
“Quá trình chuyển các ca Covid-19 nặng từ các tỉnh về TP.HCM là rất khó khăn và không an toàn trên chặng đường dài”, TS Vĩnh Châu nhận định.
Hiện nay, ngoài hỗ trợ chuyên môn và nhân lực, TP cũng đang hỗ trợ các mẫu test nhanh kháng nguyên và vắc xin Covid-19 cho các tỉnh thành. TS Vĩnh Châu cho biết, tỉnh Sóc Trăng đang đề nghị TP.HCM hỗ trợ vắc xin Covid-19 và nhân lực tiêm vắc xin cho người dân.
Ngay trong hôm nay, Sở Y tế TP.HCM đã giao cho Hội điều dưỡng TP phối hợp với một số bệnh viện, tổ chức các đội tiêm, sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh có nhu cầu khi triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên.
TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM |
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến Trung ương đã chi viện liên tục các đoàn chuyên gia giàu kinh nghiệm đến các tỉnh Tây Nam Bộ. Theo Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đợt bùng phát dịch lần 4 tại TP.HCM, có những kinh nghiệm thực tế mà cá nhân ông đúc rút.
“Về kinh nghiệm cá nhân, tôi chỉ nêu ra 2 câu hỏi để cho các tỉnh thành có thể tham khảo trong quá trình xây dựng phương án phòng chống dịch.
Chúng ta phải trả lời cho được, thứ nhất, khi nào bệnh nhân Covid-19 được thở ô xy sớm nhất; câu hỏi thứ 2 là khi nào bệnh nhân Covid-19 trở nặng được chuyển đến tầng điều trị đúng và nhanh nhất”, TS Nguyễn Tri Thức bày tỏ.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trong buổi làm việc tại Bạc Liêu ngày 1/11. |
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đó là 2 câu hỏi mấu chốt để cứu bệnh nhân Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong thấp nhất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuẩn bị tập trung cho công tác quan trọng là cách ly và điều trị F0 tại nhà.
Miền Tây căng thẳng
Sáng 4/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu ghi nhận 250 F0 mới. Trong 153 trường hợp tại cộng đồng, TP Bạc Liêu có 91 ca, huyện Đông Hải 31 ca, thị xã Giá Rai 18 ca…Số ca nhiễm tích lũy đến nay là 4.480 ca, hiện đang điều trị cho 3.210 bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 207 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 3/11. Toàn tỉnh đã có tổng cộng 17.216 F0. Đến ngày 1/11, Tiền Giang đã tiêm hơn 1,5 triệu liều vắc xin Covid-19.
Tại buổi kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, tình hình dịch địa phương này còn diễn biến phức tạp. Bộ Y tế yêu cầu Tiền Giang rà soát, tổng hợp và báo cáo kịp thời về nhu cầu, số lượng vắc xin cụ thể dành cho từng đối tượng để có kế hoạch phân bổ kịp thời.
Đoàn bác sĩ giàu kinh nghiệm chống dịch của Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát thực tế |
Ở điểm nóng Bạc Liêu, các lực lượng y tế đang tăng cường liên tục những ngày qua. Đoàn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ Huỳnh Quang Đại (khoa Hồi sức cấp cứu) làm trưởng đoàn đã có mặt từ ngày 27/10. Bác sĩ Đại là người giàu kinh nghiệm, kinh qua nhiều điểm nóng, đặc biệt trong đợt dịch khốc liệt vừa qua tại TP.HCM.
Đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, bao gồm TP Bạc Liêu, thị xã Giá Rai, các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Đông Hải…
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cũng đã trực tiếp đến làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp tốc hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu 18.000 liều vắc xin Pfizer và 35.000 liều vắc xin AstraZeneca (trong đó có 5.000 liều do Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ).
Đồng thời, xuất kho dự trữ của Bộ Y tế để hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh Bạc Liêu nhằm đáp ứng nhanh nhất có thể cho công tác phòng chống dịch tại địa phương. Trong đó, 2 máy xét nghiệm PCR cùng các chuyên gia của bệnh viện đã tăng cường ngay trong ngày 2/11.
Trước diễn tiến dịch hiện tại, các chuyên gia Hồi sức cấp cứu, Kiểm soát nhiễm khuẩn … của Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn tiếp tục ở lại Bạc Liêu, hỗ trợ khảo sát, lắp đặt hệ thống oxy lỏng; thiết lập các tầng điều trị và tạo mối liên hệ giữa các tầng điều trị; xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn; nâng cao năng lực xét nghiệm; chuẩn bị nguồn máu phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
Linh Giao