18/10/2022

Lo lắng của bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn trước COVID-19

Người mắc các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm da cơ… phải dùng thuốc ức chế miễn dịch nên họ rất lo nếu nhiễm COVID-19 sẽ làm bệnh nặng thêm, hay tiêm vắc xin thì gặp nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nền…
Vậy vắc xin phòng COVID-19 có hiệu quả với người mắc các bệnh tự miễn hay không? Còn những biện pháp nào khác giúp bệnh nền của họ ổn định?

1. Ngại đến bệnh viện, sợ tác dụng phụ của vắc xin

Bệnh tự miễn là những bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể mất đi khả năng nhận biết và phân biệt các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài. Có nghĩa là, các kháng thể trong cơ thể nhầm lẫn và tấn công chính các cơ quan trong cơ thể, trong khi các virus, vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể lại không được ngăn chặn, tấn công và gây tổn thương các cơ quan, theo PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa - trưởng khoa cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.

việc chủng ngừa covid-19 cần được thực hiên càng sớm càng tốt
Việc chủng ngừa covid-19 cần được thực hiên càng sớm càng tốt

Bác sĩ Hoa cũng cho biết dựa trên các số liệu thực tế, những người mắc các bệnh tự miễn có nguy cơ cao bị nhiễm COVID-19 nặng, phải nhập viện và kết quả điều trị thường xấu hơn so với dân số chung. Còn theo BS.CKII Trần Quí Phương Thùy - trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), số bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm da cơ…) chiếm khoảng 0,5% trong tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày tại bệnh viện. Hiện các bệnh này chưa rõ nguyên nhân, thường gặp người ở độ tuổi từ 20-40, nữ nhiều hơn nam.

So với thời điểm trước và sau dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn đang quản lý tại khoa không thay đổi, tuy nhiên người có mức độ bệnh nặng lại tăng hơn do nhiều lý do, trong đó phổ biến nhất là người bệnh ngại đến bệnh viện vì sợ nhiễm COVID-19, trong khi đây là bệnh phải được thăm khám và nhận thuốc định kỳ.

Một số bệnh nhân gián đoạn việc uống thuốc, trong khi một số lại tự ý đến các tiệm thuốc mua thuốc về uống, dẫn đến xuất huyết, chức năng gan và thận suy giảm nặng nề.

2. Mức độ bệnh nhẹ hơn khi tiêm đủ vắc xin COVID-19

Vậy sẽ ra sao nếu người mắc bệnh tự miễn nhiễm COVID-19? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Thùy cho hay bản thân người mắc bệnh tự miễn phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị, trong khi đó tác dụng phụ của chúng là dễ gây ra các biến chứng tổn thương nhiều cơ quan.

Khi bệnh nhân tự miễn mắc thêm COVID-19 sẽ dễ chuyển nặng và nguy cơ tử vong cao hơn người bình thường vì bệnh nhân phải vừa điều trị bệnh nền, vừa điều trị COVID-19. Điều này đã gây nhiều khó khăn, thách thức cho chính bệnh nhân và cả bác sĩ, nhất là việc dùng thuốc.

Theo đó, những thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh nhân mắc bệnh tự miễn như corticoid thường gây ra hội chứng Cushing (rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid), gây suy thận, suy gan, rối loạn đông máu kèm theo. Trong khi đó, khi điều trị COVID-19 cũng phải dùng thuốc kháng vi rút, thậm chí dùng thuốc kháng đông.

Bên cạnh tiêm vacxin cần đeo khẩu trang nơi đông người.
Bên cạnh tiêm vacxin cần đeo khẩu trang nơi đông người.

"Bản thân bệnh nhân thường gặp những tác dụng phụ khi điều trị bệnh nền, nên khi dùng thêm những thuốc điều trị COVID-19 có thể làm mức độ bệnh của bệnh nhân nặng hơn. Thực tế đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tự miễn có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm COVID-19. Qua hội chẩn nhiều chuyên khoa với hơn 1 tháng điều trị tích cực, cùng với việc đã tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, bệnh nhân đã thoát án tử", bác sĩ Thùy phân tích và lấy ví dụ.

Bác sĩ Thùy cho hay qua thực tế ghi nhận những bệnh nhân tự miễn tại khoa khi tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo thì mức độ bệnh nhẹ hơn so với những bệnh nhân chưa tiêm hoặc tiêm không đủ liều. Điều này chứng tỏ vắc xin COVID-19 có tác dụng phòng bệnh và giảm nguy cơ chuyển nặng cho bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.

Tuy nhiên, vì phải dùng thuốc ức chế miễn dịch nên một số bệnh nhân bệnh tự miễn có thể không có đáp ứng miễn dịch đầy đủ khi tiêm vắc xin, khiến nguy cơ bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong vẫn còn tồn tại. Do đó, ngoài vắc xin phòng COVID-19, kháng thể đơn dòng cũng được khuyến cáo tiêm thêm cho người mắc bệnh tự miễn để tăng cường phòng bệnh, theo chỉ định của bác sĩ.

Với những đặc tính chuyên biệt và được tổng hợp sẵn trong phòng thí nghiệm rồi tiêm trực tiếp vào cơ thể (theo cơ chế miễn dịch thụ động), nên kháng thể đơn dòng sẽ có hiệu quả nhanh, thường sau khoảng 6 tiếng. Trong khi đó, đối với vắc xin cần nhiều thời gian hơn, khoảng 1 - 2 tuần, để cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại vi rút.

Bác sĩ Thùy khuyến cáo người mắc bệnh tự miễn cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Việc chủng ngừa COVID-19 nên được thực hiện càng sớm càng tốt bất kể ở mức độ bệnh nào, kể cả khi người bệnh đang có đợt "bùng phát" bệnh tự miễn.

Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng được thể hiện tốt nhất ở những người đã kiểm soát tốt bệnh nền. Trong trường hợp bị suy giảm miễn dịch nặng, có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về việc bổ sung kháng thể đơn dòng.

Bên cạnh đó, cần đeo khẩu trang ở nơi đông người và khử khuẩn thường xuyên. Trong trường hợp bất khả kháng phải tiếp xúc người có các triệu chứng về hô hấp bắt buộc phải đeo khẩu trang. Điều quan trọng là người bệnh tự miễn không nên quá lo lắng, cần khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

SHARE

Tin Liên Quan

Đăng ký nhận thông tin
Vui lòng cập nhật thông tin của bạn để nhận thông tin từ chúng tôi