'Ế' giường điều trị Covid - tín hiệu lạc quan của TP HCM
Số ca nhập viện những ngày gần đây ít hơn số xuất viện, bệnh nhân nặng giảm mạnh, nhiều bệnh viện Covid-19 bắt đầu trống giường điều trị, có nơi còn chưa tới 100 bệnh nhân.
1. Tín hiệu lạc quan điều trị covid-19.
Ngày 27/9, thành phố ghi nhận 2.674 F0 nhập viện, 3.131 bệnh nhân xuất viện. Ngày trước đó, số F0 nhập viện là 2.805 trường hợp, số xuất viện cũng cao hơn, với 2.936 ca. Các bệnh viện tầng 2 và 3 đang điều trị 36.310 F0, chiếm một nửa trong tổng số hơn 65.000 giường.
Đây là một trong những tín hiệu lạc quan của thành phố, sau thời gian dài lượng bệnh nhân xuất viện mỗi ngày đều thấp hơn số nhập viện, các bệnh viện quá tải. Cao điểm hồi tháng 7, tháng 8, thành phố liên tục khẩn cấp lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở trưng dụng ký túc xá, chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, trường học..., chuyển đổi công năng hoặc "tách đôi" bệnh viện, "thiết lập đến đâu kín bệnh nhân đến đấy".
Thời gian qua, nhờ chiến lược tăng tốc tiêm vaccine, F0 được quản lý tốt ngay từ sớm tại nhà, số bệnh nhân nặng từ tầng dưới chuyển lên tuyến đầu giảm. Tỷ lệ bệnh nhân hồi phục tăng cao, kéo theo số tử vong cũng thấp hơn, giường trống nhiều hơn, y bác sĩ giảm áp lực hơn so với trước.
2. Tình hình tại các bệnh viện covid dã chiến.
Bệnh viện Trưng Vương, một trong những cơ sở đầu tiên của TP HCM chuyển đổi công năng hoàn toàn sang điều trị Covid-19 hồi giữa tháng 6, đang điều trị 560 trường hợp trên công suất 700 giường. Hôm qua, nơi này xuất viện 46 người, tiếp nhận 38 ca mới. Hơn một tuần nay, số nhập viện luôn thấp hơn số xuất viện. Khi cao điểm trước đây, mỗi ngày nơi này tiếp nhận khoảng 70-80 trường hợp nhập viện, chủ yếu là bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Covid-19 Trưng Vương, cho biết bệnh viện đang điều trị 123 trường hợp hỗ trợ oxy, giảm hơn một nửa so với khi cao điểm (280-300 ca). Cuối tháng 7, khi số bệnh nhân thở oxy cùng lúc quá lớn, từ một bồn oxy lỏng 10 khối, bệnh viện phải nâng lên ba bồn 25 khối mới giải quyết được tình trạng "sập nguồn oxy".
Gần đây, bệnh viện ghi nhận 1-2 ca tử vong, có ngày không, trước kia có lúc 11 ca tử vong trong một ngày. Với số bệnh nhân nặng đang đà giảm nhanh, lãnh đạo bệnh viện kỳ vọng số tử vong thời gian tới sẽ giảm tương ứng.
Ở ngoại thành TP HCM, Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, đa khoa tuyến quận huyện đầu tiên đổi công năng sang tiếp nhận F0, hiện điều trị khoảng 350 bệnh nhân trên công suất 500 giường. Bắt đầu hoạt động hôm 12/6, chỉ sau vài ngày, bệnh nhân nhanh chóng đầy kín các giường bệnh. Nơi này phải liên tục tăng cường máy móc, trang thiết bị, máy thở, có những lúc tiếp nhận 130-140 F0 nặng cần hỗ trợ hô hấp.
"Số bệnh nặng và tử vong hiện giảm rất nhiều, lượng bệnh nặng chủ yếu là từ những đợt trước còn nằm điều trị", bác sĩ Trần Chánh Xuân (Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi) cho biết.
Khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM theo mô hình bệnh viện "tách đôi", hiện điều trị 74 bệnh nhân trên tổng số 92 giường. "Suốt thời gian dài trước đây, khu điều trị luôn hoạt động hết công suất, không còn giường trống, đặc biệt số bệnh nhân nặng nhập viện đang giảm mạnh", theo bác sĩ Lê Trần Quang Minh, giám đốc bệnh viện.
Tại các bệnh viện dã chiến, số nhập viện chưa giảm nhiều nhưng cũng bắt đầu trống giường điều trị, bệnh nhân nặng giảm mạnh. Bệnh viện dã chiến số 10 hiện điều trị khoảng 1.200 F0 trên tổng số giường thực kê 2.500. Toàn bệnh viện hiện chỉ 17 trường hợp cần thở oxy, giảm một nửa so với khi cao điểm.
Bệnh viện dã chiến số 12 hôm qua cho xuất viện 265 trường hợp, trong khi số nhập viện khoảng 190. Một tuần nay, khu cấp cứu bệnh nhân nặng tiếp nhận khoảng 25-30 trường hợp mỗi ngày. Lúc cao điểm (ngày 27/8), khu này điều trị 73 bệnh nhân nặng, cần hỗ trợ oxy.
Bệnh viện dã chiến số 3 đang điều trị 1.400 F0 trên tổng số 2.500 giường. Những ngày gần đây lượng bệnh xuất viện đông. Riêng ngày 29/9, hơn 180 người xuất viện, nâng tổng số điều trị khỏi tại đây lên hơn 8.000.
Bệnh viện dã chiến quận 8 số 1 (chuyển công năng từ Trung tâm văn hóa quận) trước đây có ngày điều trị khoảng 170-180 F0, nay chỉ còn 80-90 ca. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (giám đốc điều hành bệnh viện) cho biết những ngày gần đây mỗi ngày chỉ tiếp nhận 5-15 ca, trong khi trước đây khoảng 20-25 ca. "Khoảng nửa tháng nay bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào tử vong, chỉ còn khoảng vài chục ca nặng phải thở oxy. Giai đoạn cao điểm có ngày 130-140 ca thở oxy", bác sĩ Phong nói.
3. Các khu thu dung tập trung F0 cũng dần vắng người.
Tại huyện Củ Chi, các khu thu dung tập trung F0 ở huyện có tổng quy mô đến 2.400 giường, đến hết ngày 28/9 chỉ còn 79 F0 đang được chăm sóc, điều trị. Ngày 28/9 giảm 18 trường hợp so với ngày 27/9.
Khu thu dung tập trung tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng không còn cảnh xe cứu thương nối đuôi đưa F0 đến. Lúc cao điểm, nơi đây khoảng 200 F0, hiện chỉ còn 70 người. Điểm thu dung tập trung tại Trường Trung học cơ sở Trung An (quy mô 280 giường) đến hết ngày 28/9 cũng chỉ còn cách ly, điều trị 9 F0. Toàn huyện Củ Chi có 2 F0 cách ly, theo dõi tại nhà. Bệnh viện Dã chiến điều trị Củ Chi số 1 với quy mô 200 giường đang điều trị cho 49 người bệnh.
Các khu thu dung tập trung ở TP Thủ Đức giảm dần số bệnh nhân, trong bối cảnh địa phương đẩy nhanh kiểm soát dịch, tăng các phường xanh. Đến ngày 28/9, gần 2.900 F0 cách ly trên tổng số 4.400 giường của 5 khu thu dung ở Thủ Đức. 45 khu thu dung F0 tại các phường với quy mô 7.340 giường, đang điều trị 2.318 người.
Tình trạng giảm F0 nặng nhập viện, trống giường điều trị cũng được ghi nhận rõ rệt tại các bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tuyến cuối. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, hiện điều trị hơn 560 trường hợp, trên công suất 800 giường bệnh.
Cơ sở tuyến cuối khác như Bệnh viện Quân y 175, các trung tâm hồi sức do bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Trung ương Huế, Đại học Y dược TP HCM, Việt Đức phụ trách, cũng ghi nhận số bệnh nhân nặng nhập viện và số tử vong giảm nhiều. F0 tử vong gần đây chủ yếu là những ca nặng đã điều trị thời gian dài trước đó.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) cho biết thực tế tại bệnh viện, tỷ lệ F0 chuyển nặng đang giảm nhờ nhiều bệnh nhân đã được tiêm vaccine. Phác đồ điều trị bằng các thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng từ sớm cũng phát huy hiệu quả. Ngoài ra, kinh nghiệm điều trị của y bác sĩ ngày càng tốt hơn, phối hợp với chuyên khoa vật lý trị liệu giúp tăng tỷ lệ hồi phục ngay trong lúc điều trị Covid-19, sự chú trọng về dinh dưỡng, tâm lý cho bệnh nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM) hôm 28/9 cho rằng tình hình dịch tại TP HCM có dấu hiệu tích cực. Số ca mắc mới giảm dù đang thực hiện chiến lược xét nghiệm thần tốc. Tỷ lệ dương tính trên số mẫu xét nghiệm giảm rõ rệt.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM dự báo số ca nặng và tử vong sẽ giảm trong thời gian tới, nhờ chiến lược đẩy mạnh chăm sóc các F0 tại cộng đồng và tại bệnh viện. Ngành y tế đang xây dựng lộ trình chuyển đổi trở lại công năng các bệnh viện điều trị Covid-19 về chức năng ban đầu là khám chữa bệnh thông thường.
Theo đó, thành phố ưu tiên giải thể phần lớn bệnh viện dã chiến để trả lại các cơ sở hạ tầng trường học, ký túc xá, công sở đã trưng dụng thời gian qua. Riêng 10 bệnh viện ở tầng ba (điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch) được giữ nguyên vì các ca Covid-19 nặng cần điều trị kéo dài.
Để hạn chế việc chuyển người bệnh F0 đi nhiều bệnh viện khác nhau, ngành y tế dự kiến xây dựng mô hình "bệnh viện dã chiến 3 tầng". Theo đó, bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16 cùng với các trung tâm hồi sức kế cạnh đảm trách mô hình này khi thành phố đã kiểm soát được dịch.
Lê Phương