18/02/2022

Bộ Y tế hướng dẫn phải làm gì khi có F0 trong trường học

Nhiều tỉnh, thành phố đã quyết định cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Để thống nhất việc xử lý các tình huống tại trường học, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch và cách xử lý khi có F0 trong trường học.

Hướng dẫn khi phát hiện F0 ở trường học.

Hướng dẫn khi phát hiện F0 ở trường học.

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tổ chức ngày 16-12, ông Dương Chí Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hướng dẫn trước khi đón học sinh trở lại, các trường cần được tập huấn về phòng, chống dịch COVID-19, vệ sinh cá nhân, môi trường, cách phát hiện ca nghi mắc...

1. Trước khi học sinh trở lại lớp học, cần làm gì?

Nhà trường phải chuẩn bị, đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh, mỗi học sinh có một cốc uống nước, đồ dùng cá nhân riêng. Bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng. Nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.

Thông qua sổ liên lạc điện tử hoặc cách thức khác, nhà trường hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh các biện pháp theo dõi, bảo vệ sức khỏe và thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân.

Bên cạnh đó, yêu cầu học sinh, cha mẹ học sinh tự theo dõi sức khỏe của học sinh và thông tin ngay cho nhà trường khi học sinh có các biểu hiện sốt, ho, khó thở. Đồng thời, trường cũng cần thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch đã và sẽ tiếp tục thực hiện tại các nhà trường, ký túc xá để học sinh, phụ huynh yên tâm.

2. Khi học sinh trở lại lớp: các yêu cầu cần làm

Khi học sinh trở lại lớp, cơ sở giáo dục bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong khu vực trường. Phòng học cần mở cửa thông thoáng, sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa, nếu sử dụng điều hòa, lớp học phải mở cửa cho thông thoáng.

Nhà trường cần quy định, hướng dẫn học sinh thực hiện hạn chế tiếp xúc với nhau. Quy định, hướng dẫn học sinh rửa tay/sát khuẩn tay; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; bỏ rác đúng nơi quy định.

Khi học sinh đi học, trường cần khử khuẩn bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy (2 lần/ngày). Đồng thời, sàn nhà, phòng học, phòng chức năng, khu vệ sinh cần được vệ sinh hằng ngày hoặc khi thấy bẩn.

Các thiết bị dạy học, tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ,... của phương tiện đưa đón học sinh cũng cần vệ sinh thường xuyên.

Hạn chế sử dụng các đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được. Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hằng ngày.

Lãnh đạo Cục Quản lý môi trường y tế cũng lưu ý, các phòng cách ly tạm thời trong nhà trường được yêu cầu có công trình vệ sinh khép kín, đảm bảo trang thiết bị y tế cơ bản, có thùng đựng chất thải có nắp đậy, có nơi rửa tay với xà phòng, đảm bảo vệ sinh hằng ngày.

Đối với các phụ huynh học sinh khi phát hiện con có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì cho học sinh nghỉ tại nhà, báo ngay cho nhà trường, cơ quan y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

Nhà trường cũng cần rà soát lại, tăng cường tập huấn, diễn tập các kịch bản xảy ra. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế trong việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ.

Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên sốt, ho, khó thở, nghi mắc COVID-19 cần đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly, cung cấp khẩu trang, hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.

DƯƠNG LIỄU

SHARE

Tin Liên Quan

Đăng ký nhận thông tin
Vui lòng cập nhật thông tin của bạn để nhận thông tin từ chúng tôi