23/11/2021

8 cụm bệnh viện tiếp nhận F0 tại TP HCM

Sở Y tế TP HCM chia các bệnh viện thành 8 cụm tại 22 quận, huyện để thuận tiện hội chẩn, chuyển tuyến F0 có dấu hiệu nặng.

Các cụm bệnh viện tiếp nhận F0 tại Tp.HCM

8 bệnh viện, trung tâm hồi sức (ICU) thuộc tầng 3 làm cụm trưởng cho 8 cụm địa bàn, phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực, tiếp nhận F0. Tuy nhiên, việc phân cụm này chỉ mang tính tương đối, các nơi sẽ phối hợp để chuyển viện người mắc Covid-19 phù hợp tình hình thực tế trong những thời điểm khác nhau khi có sự quá tải trong cụm, theo văn bản Sở Y tế TP HCM gửi cơ sở y tế, ngày 18/11.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu) phụ trách các cơ sở tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 4. Trung tâm ICU Bệnh viện Đại học Y dược phụ trách quận Bình Tân, quận 6, huyện Bình Chánh. Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 (do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách) chịu trách nhiệm quận 7, quận 8, huyện Cần Giờ. Các quận 10, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Củ Chi do Trung tâm ICU Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách.

Trung tâm ICU Bệnh viện Quân y 175 là cụm trưởng địa bàn quận 12, Gò Vấp. Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình (do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách) chịu trách nhiệm quận Tân Bình, Phú Nhuận. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ quận 1, quận 3, quận 5, quận 11 cùng Bệnh viện Điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân. Riêng huyện Nhà Bè sẽ do Bệnh viện dã chiến Phước Lộc chịu trách nhiệm.

Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, ngày 13/9. Nơi này được phân công phụ trách các cơ sở tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 4.

Sở Y tế TP HCM yêu cầu nhân viên các bệnh viện cần có nhận thức đúng về "bệnh viện xanh" trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, "bệnh viện xanh" không phải là bệnh viện không có Covid-19 mà là bệnh viện được tổ chức, vận hành với các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực sẵn sàng thu dung điều trị F0, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

"Tất cả bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh", văn bản Sở Y tế nêu. Các bệnh viện xây dựng các kịch bản và tổ chức diễn tập các tình huống liên quan đến quy trình xử lý F0, đồng thời rà soát, bổ sung thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị. Sở Y tế cũng đã chính thức kích hoạt lại hoạt động của Tổ điều phối chuyển viện.

Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cử bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng theo kế hoạch phân công của Sở Y tế TP HCM để vừa tham gia chăm sóc F0, vừa tham gia chương trình đào tạo liên tục về chuyên khoa Hồi sức. Đồng thời, các bệnh viện được yêu cầu luôn sẵn sàng danh sách y bác sĩ tham gia vận hành các trạm y tế lưu động, hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh thành khác.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, thành phố đang có hơn 9.100 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng có kinh nghiệm chống dịch, với cơ sở vật chất hiện tại, có thể điều trị cùng lúc 120.000 F0. "Mục tiêu chung của TP HCM là phải duy trì được thành quả chống dịch thời gian qua, đồng thời kéo giảm số ca nhập viện, tử vong và củng cố lại hệ thống y tế", bà Mai nói.

Trong bối cảnh các hoạt động dần trở lại nhộn nhịp, doanh nghiệp tái sản xuất, số ca Covid-19 tại TP HCM đang có xu hướng tăng trở lại. Từ ngày 7/11 đến nay, số mắc mới hàng ngày tại thành phố vượt mốc 1.000. Trong số ca mắc mới, nhiều ca nhiễm từ KCN lan ra cộng đồng dân cư. Các chuyên gia đánh giá đây là điều khó tránh khỏi khi thành phố mở cửa và nếu số ca nhiễm mới không trở nặng, không tử vong thì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tối 19/11, Bộ Y tế công bố 1.339 ca nhiễm mới tại TP HCM, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ 4 lên hơn 454.061. Hiện, hơn 37.000 F0 được theo dõi tại nhà, hơn 4.700 F0 tại các khu cách ly tập trung, gần 13.000 F0 tại các bệnh viện.

Lê Phương 

SHARE

Tin Liên Quan

Đăng ký nhận thông tin
Vui lòng cập nhật thông tin của bạn để nhận thông tin từ chúng tôi