1. 10.000 đồng "tận thu", lãng phí xã hội không hề nhỏ
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, anh B vừa mua cuốn sổ khám bệnh với giá 10.000 đồng. "Con tôi bị ho, sốt, sổ mũi thông thường nên hầu như chẳng bao giờ chúng tôi giữ lại sổ khám, về nhà để đâu đó, một thời gian là mất, lần sau đi khám lại mua quyển số mới"- anh B nói.
Mẹ cháu L.M.Q (SN 2020, trú tại Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội) khi nghe đến sổ khám bệnh giấy cũng khẳng định đã từng phải mua rất nhiều sổ khám, tại nhiều cơ sở y tế khác nhau. "Mỗi lần người thân của tôi đi khám, hoặc tôi đưa con tôi đi khám ở bệnh viện nào đó thì đều mua một sổ khám mới, bệnh viện nào bán rẻ thì 5.000 đồng, đắt hơn thì 10.000 đồng" - mẹ cháu Q nói.
Trong cuốn sổ khám của bệnh nhi tại BV Nhi Trung ương, mặc dù có in rất nhiều thông tin chỉ dẫn chăm sóc sức khỏe cho bé, nhưng mẹ cháu Q cho hay chị không bao giờ đọc, vì thường đọc thông tin trên mạng, khám cho bé xong, điều trị khỏi là cũng không biết sổ khám mất đâu.
Cuốn sổ khám chỉ 10.000 đồng - một số tiền rất nhỏ so với chi phí khám chữa bệnh mà người dân bỏ ra. Thế nhưng, nghịch lý là các cơ sở y tế, các bệnh viện đều không chấp nhận sổ khám của nhau, hoặc sau khi đi khám về nhà, hầu hết người dân đều không giữ lại hoặc làm thất lạc sổ khám nên mỗi lần đi khám lại phải mua một cuốn sổ mới. Số tiền không nhiều, nhưng mua đi mua lại nhiều lần như vậy và nhiều người mua thì sẽ thành một sự lãng phí lớn. Quan trọng hơn, nếu như mỗi bệnh nhân có một mã số định danh y tế, có một hồ sơ sức khỏe điện tử để có thể lưu lại toàn bộ tiền sử những lần đi khám, các loại thuốc đã từng dùng, được cập nhật tại tất cả các cơ sở y tế, thì sẽ vô cùng tiện lợi cho người dân.
Theo khảo sát của phóng viên, từ hầu hết các bệnh viện công lập đông bệnh nhân như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Việt Đức... Đến các bệnh viện tư nhân với lượng bệnh nhân vừa phải như BVĐK Bảo Sơn, việc mua sổ khám giấy vẫn là việc không thể thiếu khi đến khám.
2. Đã có chỉ đạo, nhưng không nơi nào chịu làm!
Ngày 30.6.2020, tại Lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay mục đích cuối cùng của việc ứng dụng công nghệ và đầu tư xây dựng dịch vụ công trực tuyến không phải chúng ta làm công nghệ thông tin, mà mục đích là để minh bạch, công khai với người dân. Minh bạch sẽ thấy cái gì bất cập, cái gì không tốt cho dân.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đầu tư xây dựng DVC trực tuyến, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: "Chậm nhất 31.12.2020 bỏ toàn bộ y bạ giấy, hay còn gọi là sổ khám sức khỏe hay sổ y bạ giấy. Đây không chỉ đơn thuần là bỏ sổ y bạ giấy bởi mỗi lần đi khám bệnh người dân lại mua cuốn sổ khám bệnh mới, một năm chúng ta tốn bạc tỉ tiền in giấy mà quan trọng là không có lợi ích cho người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đã lập được trên 90 triệu hồ sơ điện tử, bây giờ phải triển khai đến tất cả từ xã, phường để mọi thông tin khám, chữa bệnh của người dân được kích hoạt, phục vụ cho công tác triển khai từ xã, phường làm sao để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh".
Đã nửa năm trôi qua sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhưng dường như sức mạnh của công nghệ thông tin vẫn chưa đủ để chạm tay tới những cuốn sổ y bạ giấy. Việc người dân phải mua sổ khám bệnh giấy, vẫn diễn ra tại hầu hết các bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn đề này, PGS-TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Y tế thừa nhận những chậm trễ trong việc triển khai số hóa y tế tại các cơ sở y tế. "Các bệnh viện không làm, không chịu triển khai, các lãnh đạo bệnh viện không kiên quyết. Làm thì phải có tiền, không cho bệnh viện thu tiền của người bệnh mà bệnh viện phải tự bỏ tiền ra làm thì họ không muốn làm, bán quyển sổ vài nghìn cũng là tiền"- PGS Trần Quý Tường thẳng thắn nói.
Theo Cục trưởng Trần Quý Tường, công nghệ thông tin có thể hoàn toàn thay thế sổ khám giấy, mỗi bệnh nhân có một mã số và tích hợp tất cả các thông tin vào đó, dù đi khám ở cơ sở y tế nào thì những thông tin vẫn sẽ được lưu vào đó, rất thuận tiện để tra cứu tiền sử bệnh tật, lịch sử đi khám bệnh và điều trị. Tuy nhiên, việc triển khai sổ khám điện tử hiện vẫn "giậm chân tại chỗ".
Việc bỏ sổ khám giấy rất cần thiết, nhưng theo tôi lãnh đạo các bệnh viện phải quan tâm triển khai thì mới có thể làm được. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản liên quan, chỉ đạo cũng có nhưng các đơn vị cố tình "lờ đi" vì liên quan đến kinh phí đầu tư, liên quan đến chuyện thu tiền của bệnh nhân. "Nhà nước không đầu tư, mà bệnh viện phải bỏ kinh phí ra đầu tư phần mềm, đầu tư hệ thống. Tuy nhiên hiện nay lại chưa có cơ chế giá, nếu thu tiền của người dân để làm thì người dân sẽ "kêu". Cơ chế tài chính và sự quan tâm của lãnh đạo các bệnh viện là vấn đề chính để giải quyết vấn đề này"- ông nói.
Về mã định danh y tế, ngày 24.9.2019, Bộ Y tế cũng đã có quyết định 4376/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế, nhưng ông Tường cho hay, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện. Còn về sổ khám điện tử, theo ông Tường, hiện mới chỉ có BVĐK Phú Thọ và BV Nhi Trung ương đã từng bỏ sổ khám giấy. Khi chúng tôi xuống kiểm tra thì bệnh viện có sổ khám điện tử, trả kết quả khám qua điện thoại. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của phóng viên Lao Động như đã nói ở trên, sổ khám giấy hiện vẫn đang được bán tại bệnh viện Nhi Trung ương, giống như ở hầu hết các cơ sở y tế công lập khác.